Blog Vexere - Kênh du lịch và xe khách Việt Nam
Bắc Giang xưa kia có diện tích phần lớn thuộc vùng Kinh Bắc xưa. Bởi thế, nền văn hóa Bắc Giang phong phú, đặc trưng văn hóa Kinh Bắc. Các món ăn Bắc Giang mang đậm nét giản dị, gắn liền với nếp sinh hoạt của người dân. Nhưng cũng không thiếu những món ngon Bắc Giang công phu, đặc sắc, nổi tiếng. VeXeRe.com chia sẻ với bạn những món ngon độc đáo của làng quê Bắc Giang dưới đây.
- Món ngon Bắc Giang: Cua da
Đây là loại cua rất được ưa chuộng và phổ biến ở Bắc Giang. Cua da chỉ xuất hiện vào khoảng tháng 9 và tháng 10 âm lịch hằng năm. Loại cua này sống trong các ghềnh đá ở đoạn sông Cầu chảy qua địa phận một số xã ven sông huyện Yên Dũng. Đặc sản cua da có thể được chế biến thành nhiều món như: Cua hấp bia, cua rang muối, cua chiên, cua giã nấu canh… Nhưng ăn cua da ngon nhất và đơn giản nhất là đem hấp bia.
Khi cua chín có màu vàng cam rất hấp dẫn. Điều khiến cua da được yêu thích là thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân và càng cua khá mềm. Ăn cua chấm bột canh pha mù tạt kèm nửa quả chanh vắt vào thì sẽ cảm nhận được vị vừa lạ vừa ngon đến không thể cưỡng nổi.
- Món ngon Bắc Giang: Bánh vắt vai
Bánh vắt vai là loại bánh lạ từ hình thức đến tên gọi. Món ăn độc đáo này của đồng bào dân tộc Cao Lan, Lục Ngạn. Món ngon dân dã này được làm từ gạo nếp cái hoa vàng có vị thơm ngon, ngọt bùi. Ngoài ra còn có đậu xanh, đường, rau ngải cứu, lá chuối. Loại bánh này là bánh truyền thống của người Cao Lan nên hương vị chắc chắc không thể chê vào đâu được.
Bánh vắt vai được thực hiện qua nhiều công đoạn khá phức tạp. Nghiền nhỏ gạo neeos bằng cối xay đá. Lá ngải cứu, nguyên liệu làm nên hương vị khác biệt cho món bánh được luộc lẫn với nước vôi trong cho bớt đắng, chát. Sau đó, nghiền nhỏ cùng bột nếp. Tiếp đến, sau khi nặn và gói xong, bánh được luộc cách thủy khoảng hai giờ đồng hồ. Bánh chín, vớt ra để ráo nước là có thể dùng được.
- Mỳ Chũ
Làng nghề Thủ Dương, Nam Dương là làng nghề truyền thống từ lâu đời sản sinh ra mỳ Chũ. Nguyên liệu để làm ra mỳ Chũ là một loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm dẻo – Bao thai hồng. Từng sợi mỳ Chũ dẻo dai, đậm đà, ngọt bùi nơi đầu lưỡi.
Sợi mỳ thoạt nhìn có vẻ giống sọi hủ tiếu của miền Nam. Nhưng hương vị thì không thể lẫn với bất kì loại nào. Mỳ được làm khô, bó thành từng bó nên dễ dàng bảo quản và để lâu để dùng dần.
- Bánh đa Thổ Hà
Loại bánh đa đặc sản này của Thổ Hà công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Một bếp lò nghi ngút khói được nổi lửa, từng muỗng bột gạo thơm phức được tráng đều trên mặt vải căng. Bánh đa thông thường chỉ cần tráng một lần nhưng bánh đa Thổ Hà tráng làm hai lần. Lần thứ nhất một lượt bột không, đợi lượt bột đó chín lại tráng thêm một lượt bột nữa. Lần này là hạt lạc sống rửa sạch xắt nhỏ, tróc sạch vỏ rắc đều lên mặt bánh cùng với vừng trắng và dừa nạo.
Bánh tráng xong được rải đều lên “giàng” phơi cho được nắng. Nắng càng to thì bánh lên màu càng đẹp, càng mau khô. Bánh phơi xong được đưa ngay lên bếp than rừng rực lửa quạt. Mùi bánh nướng lửa than thơm phức, đưa vào miệng giòn tan. Người quạt bánh xong đợi bánh nguội bớt, dùng dao gọt cạnh bánh cho tròn rồi cho vào túi bóng, mỗi bánh một túi. Bánh căng tròn những miếng lạc vàng thơm, điểm thêm dừa nạo có vị bùi bùi.
- Bún Đa Mai
Đa Mai là tên gọi của loại bún nổi tiếng vùng quê Bắc Giang. Bún Đa Mai có sợi dẻo, ăn mát, để cả ngày không chua lại trắng muốt như bột lọc. Bún Đa Mai có 4 sản phẩm chính: bún rối, bún vẩy ốc, bún con ba, bún vẩy (bún lá). Loại bún vẩy ốc và bún con ba thường chỉ được chế biến khi dân làng có hội hè, hoặc có người đặt riêng. Bún rối và bún lá thì là những sản phẩm luôn luôn được chế biến và tiêu thụ hàng ngày.
Nghề làm bún ở Đa Mai xuất hiện tương đối sớm (khoảng 400 năm), là một trong bốn làng nghề làm bún cổ xưa của miền Bắc.
Xem thông tin hãng xe trên tuyến đường với giá thấp nhất tại VeXeRe.com: